Địa chỉ doanh nghiệp xin giới thiệu những chia sẻ của Tiến sĩ Tad Waddington – Giảng viên Đại học Chicago; Giám đốc bộ phận đánh giá hoạt động của Công ty Accenture (Mỹ) trong chuyến làm việc tại TP HCM vừa qua.
Theo thống kê, Việt Nam có gần 600.000
doanh nghiệp được thành lập. Tuy nhiên ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc
Công ty Thái Hà Books ước chừng, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp kỷ niệm
sinh nhật lần thứ 3. Còn những doanh nghiệp khác thì sao? Nhiều doanh
nghiệp đã ra đời chẳng bao lâu rồi biến mất. Số khác sống ngắc ngoải
hoặc không định hình rõ khả năng của mình…
Vì những đề dẫn này, câu chuyện của tiến
sĩ Tad Waddington đã tạo sự thu hút người nghe bằng những dẫn chứng rất
xác thực. Ông cho rằng, để một doanh nghiệp phát triển lâu dài, cần lưu
ý 4 căn nguyên gồm: Căn nguyên hiệu quả, căn nguyên vật chất, căn
nguyên hình thức; và căn nguyên hệ quả.
Căn nguyên hiệu quả
Theo tiến sĩ Tad, mỗi người, mỗi doanh
nghiệp đều có những cơ hội để phát triển. Điều quan trọng là phải biết
lựa chọn cơ hội. Khi cơ hội đến, thông thường người ta sẽ cố gắng nắm
bắt lấy càng nhiều càng tốt. Ông Tad khuyên các doanh nhân hãy cân nhắc
và lựa chọn; không phải là chần chừ, bỏ qua cơ hội mà là lựa chọn những
cơ hội tốt nhất. Bằng những con số thống kê, ông cho biết, trung bình
mỗi người trong cuộc đời sẽ có khoảng 20 cơ hội lớn. Phải biết chọn lấy
cơ hội tốt nhất và đầu tư tốt nhất cho những cơ hội này.
Căn nguyên vật chất
Ông Tad đặt câu hỏi: “Bạn làm việc dựa
trên điều gì?” Trả lời câu hỏi này, ông khuyên các doanh nghiệp đừng lo
lắng vì hiểu biết của mình hạn hẹp mà hãy biết cách dựa vào chuyên gia
để giúp mình giải quyết các vấn đề hóc búa. Thay vì bắt tay ngay vào
công việc, hãy tìm hiểu rõ ràng từng vấn đề. Điều đó giúp doanh nghiệp
giải quyết công việc nhanh hơn. Ông cũng cho rằng, rất nhiều người mang
sẵn định kiến, do vậy đừng bao giờ để trực giác dẫn dắt những quyết định
kinh doanh mà hãy phân tích vấn đề và chỉ đến phút cuối mới sử dụng đến
trực giác.
Căn nguyên hệ quả
Các doanh nghiệp thường đặt ra cho mình
những sứ mệnh, tầm nhìn này nọ, ông Tad đặt câu hỏi: “Tại sao bạn làm
như vậy?”. Ông lưu ý các doanh nghiệp rằng nhiều người thích làm việc vì
những thứ quan trọng hơn là tiền bạc. Cái dẫn dắt doanh nghiệp đi đến
cùng một điều gì đó chính là sự đam mê. Nên tập trung vào nhiệm vụ xây
dựng văn hóa doanh nghiệp, tạo sự gắn kết nội bộ để giúp cho doanh
nghiệp mình vững mạnh, tự lực, tự cường.
Căn nguyên hình thức
Điều lý thú là nhiều doanh nghiệp thường
xây dựng những kế hoạch cố định. Điều này có tốt không? Tiến sĩ Tad cho
rằng, kế hoạch cố định rất cứng nhắc, hãy nghĩ về những tình huống giả
định, lập kế hoạch cho điều bạn nghĩ sẽ không xảy ra để tránh hoặc đối
phó được những hậu quả không lường trước. Rất nhiều doanh nghiệp nghĩ
đến những khả năng thành công nhưng ông Tad thì khuyên doanh nghiệp phải
tính đến cả những lúc... thất bại. “Hãy lùi lại phía sau để quan sát sẽ
thấy mọi việc rõ ràng hơn”. Cuối cùng, ông kết luận, dù kinh doanh
trong bất kỳ lĩnh vực nào, điều cần nhớ nằm trong 6 chữ “First Think,
Then Act, Do Both” (Suy nghĩ trước, Sau đó hành động; Vừa suy nghĩ vừa
hành động).
Một điều lý thú khác mà Tiến sĩ Tad chia
sẻ chính là lời khuyên: “Đừng bao giờ giết đối thủ cạnh tranh”. Theo
tiến sĩ Tad, thay vì nghĩ cách giết đối thủ cạnh tranh, doanh nghiệp nên
nghĩ đến chuyện chăm sóc khách hàng sao cho tốt nhất, bởi nếu chăm chú
vào chuyện giết nhau, có thể sau đó cả hai cùng chết. Theo ông, có cách
khác là tránh đối thủ cạnh tranh và tập trung cải tiến sản phẩm, làm hài
lòng khách hàng.
Đăng nhận xét