Doanh nghiệp tư nhân cần gì?
Để
có sự hỗ trợ thực sự, điều đặt ra là phải biết doanh nghiệp tư nhân
(DNTN) cần gì và nên hỗ trợ họ ra sao? Bài viết này không kỳ vọng có thể
trả lời được hai câu hỏi lớn đó vì chắc chắn Chính phủ đã có rất nhiều
đề tài nghiên cứu về các chủ đề này. Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết
chỉ mong góp được một phần nhỏ cho tiếng nói của khu vực tư nhân.
Trong thời gian gần đây, khi mà nhiều
doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bộc lộ sự yếu kém về hiệu quả hoạt động thì
lại nổi lên một dư luận cho là cần xem trọng và nâng đỡ doanh nghiệp
trong khu vực tư nhân vì đây là lực lượng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn
và có nhiều đóng góp cho nền kinh tế.
Thật ra, chủ trương hỗ trợ cho khu vực
tư nhân đã có từ lâu, tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc từ phía các cơ
quan quản lý, cụ thể là vướng mắc trong lối suy nghĩ cũng như cách hành
xử đối với khu vực tư nhân. Nhiều ngân hàng thương mại cũng ngần ngại
cho DNTN vay, nhiều cán bộ tỏ ra ngại ngùng trong việc hỗ trợ công khai
cho các DNTN (dù rằng không thiếu các trường hợp họ mạnh tay hỗ trợ cho
“gà nhà” tư nhân sau lưng).
Chắc chắn trong chúng ta, ai cũng biết
rằng khu vực tư nhân do mới phát triển nên cần sự hỗ trợ từ nhiều phía:
chính sách, vốn, công nghệ, xúc tiến thương mại, nguyên liệu... và mỗi
loại hình, mỗi ngành nghề, mỗi quy mô lại có những yêu cầu cần hỗ trợ
khác nhau.
Do vậy, xin giới hạn lại trong phạm vi
các DNTN có quy mô nhỏ và vừa (DNNVV) vì những doanh nghiệp này đang
chiếm tỷ trọng lớn về số lượng và góp phần nuôi sống rất nhiều người. Ta
có thể tóm tắt các yêu cầu như sau:
Hỗ trợ tiếp cận chính sách
Thật sự là hiện nay không thiếu những
chính sách hỗ trợ DNNVV, thậm chí các cơ quan quốc tế cũng có rất nhiều
chương trình và ngân sách để hỗ trợ các DNNVV Việt Nam, do đó không cần
phải đề ra thêm nhiều chính sách.
Từ năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị
định số 56/2009/NĐ-CP nhằm hỗ trợ khối DNNVV nhưng chắc chắn là có rất
ít DNNVV được thụ hưởng các lợi ích từ chích sách này. Các doanh nghiệp
tiếp cận được sự hỗ trợ chủ yếu là có mối quan hệ thân quen với các quan
chức Việt Nam trong các chương trình và thậm chí nhiều dntn lớn nhưng
do thân quen cũng được hưởng lợi ích từ các chương trình dành cho DNNVV.
Cách hỗ trợ tốt nhất cho DNNVV là phải
có những kênh thông tin công khai, rộng mở và có kiểm soát để hạn chế
cách làm việc tù mù, thiếu minh bạch của nhiều dự án, kể cả các dự án có
sự hỗ trợ từ nước ngoài. Các cơ quan thực thi cũng cần chủ động tiếp
cận các DNNVV; ngược lại, các DNNVV cũng cần tìm hiểu thêm để có thể
tiếp cận.
Tạo sự ổn định vĩ mô
Cách hỗ trợ tốt nhất cho DNNVV là phải
có những kênh thông tin công khai, rộng mở và có kiểm soát để hạn chế
cách làm việc tù mù, thiếu minh bạch của nhiều dự án, kể cả các dự án có
sự hỗ trợ từ nước ngoài.
DNNVV rất dễ bị tổn thương khi xảy ra
những bất ổn về vĩ mô. Lấy một thí dụ là khi lãi suất cho vay và tỷ giá
“nhảy múa”, các doanh nghiệp lớn có thể tìm cách pha loãng giữa mức lãi
suất thấp mà họ đã vay trước đây với mức lãi suất cao hiện tại hoặc họ
sẽ cân đối tỷ giá từ nhiều nguồn, thậm chí từ nhiều loại ngoại tệ, từ
nhiều dự án. Trong khi đó, DNNVV thường xuyên vay ngắn hạn, dự án thường
nhỏ và không nhiều, lại luôn lâm vào cảnh “có đồng nào xào đồng nấy”
nên không thể có giải pháp bù trừ này.
Kiểm soát tối đa sự nhũng nhiễu
Cũng cần phải nói thêm là chính các
DNNVV là đối tượng dễ bị một số cơ quan công quyền và cán bộ nhũng nhiễu
nhiều nhất vì một mặt họ thiếu thông tin, thiếu am hiểu pháp luật. Mặt
khác họ luôn có cảm giác là mình nhỏ bé nên không dại gì mà chống cự lại
với những “yêu cầu” từ các cơ quan công quyền hoặc các cán bộ, miễn sao
cho được việc!
Hỗ trợ về kỹ năng quản trị doanh nghiệp
Đa số các chủ DNNVV đều đi lên từ kinh
nghiệm, điều hành tự phát, thiếu bài bản. Do vậy, khi công cuộc làm ăn
phát triển, quy mô doanh nghiệp lớn ra thì họ đều vướng rất lớn ở khâu
quản trị, đặc biệt là quản trị nhân sự và quản trị tài chính. Trừ một số
chủ doanh nghiệp nhận thức được và có biện pháp hóa giải những khó khăn
này, phần lớn các DNNVV đều gặp khó khăn và thậm chí phải bán bớt một
phần doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp tuy nhận thức ra được
vấn đề này, nhưng để trang bị đầy đủ các kỹ năng quản trị cho người chủ
và đội ngũ quản lý thì phải tiêu tốn một khoản tiền không nhỏ đối với
doanh nghiệp.
Tóm lại, với quy mô nhỏ và vừa, với
ngành hàng kinh doanh hạn hẹp (các DNNVV thường không kinh doanh đa
ngành), do vậy, không quá phức tạp để có thể hỗ trợ cho loại hình này.
Đăng nhận xét