Doanh nghiệp Việt Nam: Những “căn bệnh” cần khắc phục |
Tiếp
cận đời sống thương trường khá sớm, chiêm nghiệm kiến thức kinh doanh
qua sách vở, trải nghiệm thực tế qua nhiều Công ty, rồi trở thành nhà tư
vấn cho doanh nghiệp và viết sách về cẩm nang quản lý, kinh doanh, thạc
sĩ Đỗ Thanh Năm đã có nhiều cơ hội quan sát đời sống kinh tế và các
doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, do những ý kiến của anh khá sâu sát và
chắc hẳn sẽ rất bổ ích để doanh nghiệp tự đánh giá lại những điều kiện
hiện có của mình.
DNSG đã có cuộc trò chuyện với anh về những "căn bệnh” của doanh nghiệp trước ngưỡng cửa WTO. Trong quá trình tư vấn cho các doanh nghiệp, anh nhận thấy doanh nghiệp Việt Nam thường mắc phải những “căn bệnh” nào?
"Bệnh" thì nhiều lắm, nhưng tôi chỉ kể
ra một số "căn bệnh" phổ biến nhất, ảnh hưởng đến "sức khoẻ” của doanh
nghiệp nhiều nhất, mà các doanh nghiệp cần phải chữa trị khi Việt Nam
gia nhập WTO.
Thứ nhất, doanh nghiệp hay có thói quen
làm việc tới đâu, xả rác tới đó. Khi doanh nghiệp phát triển lên một qui
mô nhất định nào đó, chính những “đống rác" này kìm hãm sự phát triển
và còn phải tốn thêm chi phí "đổ rác". Có một số doanh nghiệp đã xây
dựng định hướng phát triển đúng, nhưng kế hoạch thực hiện chưa rõ ràng,
thiếu sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ và chưa có sự hỗ trợ tích cực giữa
các bộ phận, nhất là chỉ tập trung xây dựng quy trình kiểm soát mà chưa
tập trung vào hệ thống kiểm soát và cơ cấu trách nhiệm.
Thứ hai, cơ cấu tổ chức trong doanh
nghiệp vẫn còn nặng "thưa", "bẩm", "báo", "trình", tập trung vào chức
vụ, quyền hạn nhiều hơn là trách nhiệm, chưa thật sự dựa trên giá trị
gia tăng mang đến cho thị trường và khách hàng. Điều này hạn chế sự năng
động, sáng tạo, khả năng nắm bắt và thỏa mãn nhu cầu của thị trường.
Bản mô tả công việc của mỗi nhân viên trong Công ty không rõ ràng, chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn chồng chéo lên nhau.
Thứ ba, phần lớn doanh nghiệp chọn cách
lãnh đạo theo mô hình "đầu tàu”, chỉ dựa vào khả năng của một số ít
người. Theo mô hình này, một khi người chủ doanh nghiệp đi công tác xa,
hay có việc gì bất ngờ thì mọi hoạt động bị đình trệ. Chức năng của lãnh
đạo rất quan trọng không phải vì bản thân người lãnh đạo quan trọng mà
chính là vì người lãnh đạo ấy biết nâng tầm quan trọng về vị thế của mỗi
người trong doanh nghiệp để đóng góp của họ càng ngày càng nhiều hơn.
Thứ tư, một điều đáng mừng là phần lớn
doanh nghiệp đều xem con người là tài sản, luôn tìm cách thu hút và giữ
chân người giỏi, nhưng lại chưa đánh giá chính xác năng lực của người
giỏi (việc đánh giá chưa dựa trên giá trị gia tăng mang đến cho thị
trường, khách hàng, đồng nghiệp và cấp dưới). Hơn nữa, doanh nghiệp chưa
tạo ra "chất keo" kết nối nhân viên thành một khối đoàn kết, hiệp lực,
cùng khát vọng vươn đến mục tiêu chung.
Với những “căn bệnh” chính vừa nêu, các nhà tư vấn như anh đã và đang giúp doanh nghiệp “chữa trị” như thế nào?
"Bệnh" có thể giống nhau nhưng nguyên
nhân sinh "bệnh" lại khác nhau ở từng doanh nghiệp. Muốn “chữa trị” hiệu
quả, phải tìm ra nguyên nhân đích thực. Khi "chữa trị", tôi luôn hướng
dẫn doanh nghiệp từng bước đi vào chuyên nghiệp hóa, giảm thiểu tối đa
những chi phí không tạo ra giá trị gia tăng, giúp doanh nghiệp sử dụng
"la bàn" để xác định hướng đi đúng nhất. Sau khi "chẩn bệnh", tôi thường
tổ chức các khóa đào tạo - tư vấn cho doanh nghiệp, như nâng cao năng
lực cạnh tranh bằng bản sắc văn hóa doanh nghiệp, hướng dẫn lập kế hoạch
kinh doanh theo mô hình "con cua", kiểm soát hoạt động kinh doanh, tái
cấu trúc - tổ chức doanh nghiệp, hoàn thiện quá trình truyền thông trong
doanh nghiệp... Tùy thuộc vào từng doanh nghiệp mà tôi đưa ra giải pháp
cụ thể.
Công ty cổ phần CNTT và truyền thông E - Link
Trụ sở ban biên tập: Số 11 - Đề Thám - Khối 6B - P. Cửa Nam -TP Vinh - Nghệ An.
|
Đăng nhận xét